Không ngừng cải tiến với Kaizen
Kaizen là hoạt động cải tiến liên tục với sự tham gia của moi người nhằm cải thiện không ngừng môi trường làm việc, cuộc sống mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Có hai cách tiếp cận để nâng cao năng suất trong các công ty:
· Cách tiếp cận từng bước - Kaizen.
· Cách tiếp cận mang tính đột phá - Đổi mới
Khi áp dụng ở nơi làm việc, Kaizen nghĩa là cải tiến liên tục và nó đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực liên tục của mọi người, các cán bộ quản lý cũng như công nhân.
Kaizen là những cải tiến nhỏ thực hiện từng bước trong một thời gian dài. Thực tế, các công ty Nhật thường chú trọng thực hiện Kaizen hoặc chương trình có sự tham gia của nhân viên vì các chương trình này nằm trong tầm kiểm soát của các cán bộ quản lý. Kaizen ít tốn kém hơn là đầu tư mới. Nó nâng cao chất lượng công việc nó ghi nhận sự tham gia của nhà quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giảm chi phí hoạt động.
Các nhà quản lý phương Tây tôn sùng đổi mới. Đổi mới là sự đột phá về công nghệ hoặc áp dụng các kỹ thuật sản xuất mới. Đổi mới mang tính đột phá và gây tác động mạnh còn Kaizen thì dần dần và tinh tế, kết quả không nhìn thấy ngay. Trong khi Kaizen là một quá trình liên tục thì đổi mới thường là hiện tượng tức thời.
Một trong những điểm hấp dẫn của Kaizen là nó không đòi hỏi các kỹ thuật phức tạp hay công nghệ mới mà chỉ cần các kỹ thuật thông thường, đơn giản như bẩy công cụ kiểm soát chất lượng (biểu đồ Pareto, nhân quả, tổ chức, kiểm soát, phân tán, các đồ thị và phiếu kiểm tra). Thông thường cần phải biết kết hợp sử dụng bảy công cụ nói trên.
Quan điểm cơ bản của Kaizen:
· Những hoạt động hiện tại luôn có nhiều cơ hội để cải tiến
· Các phương tiện và phương pháp hiện tại có thể luôn được cải tiến nếu như có một nỗ lực nào đó.
· Tích lũy những cải tiến nhỏ sẽ tạo ra một sự biến đổi lớn.
· Lôi cuốn toàn thể công nhân viên
Các đối tượng cải tiến của Kaizen:
· Phương pháp làm việc
· Quan hệ công việc
· Môi trường làm việc
· Điều kiện làm việc ở mọi nơi
Các hoạt động Kaizen có thể được khởi xướng bởi:
· Lãnh đạo
· Một bộ phận (phòng, ban) của tổ chức
· Một nhóm làm việc
· Nhóm Kaizen
· Từng cá nhân
Kết hợp Kaizen và đổi mới
Trong thực tế không có cái gì tồn tại vĩnh cửu. Tất cả các hệ thống đều đi đến sự xuống cấp sau khi chúng được thiết lập. Một trong các định luật nổi tiến nhất của Parkinson là “Một tổ chức khi đã hình thành được một cấu trúc thì cũng là lúc tổ chức đó bắt đầu xuống cấp”. Nói cách khác, để cải thiện hoặc thậm chí để duy trì hiện trạng thì tất yếu phải có những nỗ lực liên tục.
Khi không có sự nỗ lực liên tục thì sự xuống cấp là không tránh khỏi. Do đó, khi đổi mới tạo ra một chuẩn mực hoạt động mới tồn tại thì mức hoạt động mới cũng sẽ suy giảm nếu như chuẩn mực này không được bổ sung và cải tiến liên tục. Do vậy, bất cứ khi nào đổi mới đạt được thì nó phải được tiếp nối với các hoạt động của Kaizen để duy trì và cải tiến nó.